Là những CEO nổi tiếng, đại diện cho thế hệ doanh nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập, dù cách thức khởi sự kinh doanh và phát triển doanh nghiệp có khác nhau nhưng họ đều là những “người hùng” mang đến thành công cho các doanh nghiệp. Chặng đường dài có lúc khó khăn, có lúc thất bại, nhưng họ có khát vọng, sự dấn thân, sáng tạo và niềm tin sắt đá vào mục tiêu đã lựa chọn.
Trương Gia Bình và FPT là “câu chuyện lớn nhất cuộc đời tôi”
Trương Gia Bình là CEO nổi tiếng trong giới doanh nhân không chỉ bằng kinh nghiệm sáng lập và điều hành một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam về công nghệ thông tin, truyền thông – FPT mà còn bởi “Tư duy người chủ” giúp doanh nghiệp tiếp cận với sự phát triển bền vững.
Cách thức quản trị của ông là tìm ra được những nhân viên có tư duy người chủ, tức là họ thấu hiểu và đồng cảm với sứ mệnh công ty, có chung mối quan tâm và không rời xa khách hàng, từ đó tạo ra những nhóm nhân viên, chuyên viên đồng nhất. Cơ chế kiểm soát mà CEO Trương Gia Bình xây dựng tại FPT tạo ra sự thoải mái, trao quyền song song với kiểm soát linh hoạt, thông minh. Nơi được trao quyền nhiều nhất chính là bộ phận tiếp xúc với khách hàng nhiều nhất.
Không chỉ nổi tiếng là nhà điều hành bản lĩnh của tập đoàn FPT, Trương Gia Bình còn là một trong số ít CEO nổi tiếng của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam thường xuyên có những buổi hội thảo, trao đổi với doanh nhân trẻ. Tại các diễn đàn, ông chia sẻ FPT là câu chuyện lớn nhất cuộc đời mình và bí quyết dẫn dắt FPT đến thành công như hôm nay chính là không bao giờ xa rời khách hàng, tập trung nghiên cứu chính sách chăm sóc khách hàng, hoạt động bán hàng của đối thủ để có sự thay đổi tốt hơn cho chiến lược kinh doanh và chăm có khách hàng của mình.
Mai Kiều Liên – bông hồng vàng thuộc top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á
Có thể nhìn thấy rõ cá tính của một nhà điều hành giỏi qua những sản phẩm, giá trị họ kiến tạo nên cũng như những thành công họ xây dựng được. Điều này hoàn toàn đúng đối với nữ CEO nổi tiếng Mai Kiều Liên khi nhìn vào Vinamilk. Với sự quyết đoán và tư duy cấp tiến, bà đặt trọng tâm vào phát huy giá trị nội lực để cạnh tranh và áp dụng mô hình liên kết để tạo sức mạnh cộng hưởng cùng thắng. Chính quan điểm này đã giúp Mai Kiều Liên mạnh dạn thiết lập mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, và chiến lược này đã giúp Vinamilk trụ vững trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và vươn mình khẳng định ngôi vương trong thị trường ngành sữa.
Trong quá trình dẫn dắt, điều hành của mình, CEO Mai Kiều Liên xác định yếu tố mang tính sống còn của công ty chính là sự sáng tạo. Bà không ngừng yêu cầu, cũng như tạo sự thúc đẩy để đội ngũ nhân viên Vinamilk nỗ lực tìm kiếm, tạo ra những cái mới, không đi theo lối mòn, không chạy theo đám đông và thậm chí có lúc đi ngược với xu hướng. Đến nay, 90 ý tưởng mới của Vinamilk xuất phát từ nữ tướng Mai Kiều Liên. Bà đã khai sinh ra việc sản xuất theo phương pháp công nghiệp các mặt hàng sữa chua, sữa bột trẻ em, phô mai, nước ép trái cây… giúp công ty nhanh chóng xâm nhập và dẫn đầu thị trường.
Được tôn vinh là 1 trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á vào các năm 2012, giới doanh nhân đánh giá cao sự chủ động, hết mình vì công việc và các chiến lược quyết liệt của bà để giúp Vinamilk tạo nguồn nguyên liệu không phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. CEO Mai Kiều Liên đã góp công lớn trong việc phát triển thành công hệ thống trang trại và đàn bò riêng biệt, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giúp Vinamilk có những bước tiến mạnh mẽ, vững chắc ở thị trường trong nước và nước ngoài.
Phạm Thị Việt Nga – nữ CEO của thời đại mới
Cũng như Mai Kiều Liên, Phạm Thị Việt Nga là 1 trong những người phụ nữ hiếm hoi của Việt Nam được vinh danh là doanh nhân quyền lực nhất Châu Á. Bà được biết đến như một người phụ nữ quyết liệt và cứng rắn, đã chèo lái thành công con thuyền của Công ty Dược Hậu Giang từng bước vượt qua khủng hoảng và đứng vững trên thị trường trong nước và quốc tế.
Kể từ khi gia nhập Công ty Dược Hậu Giang vào năm 1988, nữ CEO nổi tiếng Phạm Thi Việt Nga đã biến một xí nghiệp bên bờ vực phá sản thành công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, giúp Dược Hậu Giang trở thành thương hiệu dược số một thị trường nội địa và giành lại thị phần từ các hãng nước ngoài. Tự nhận mình là phụ nữ cứng rắn, quyết liệt, bà chia sẻ: khi bà quyết định nhập dây chuyền máy móc về sản xuất thuốc viên nang thì Dược Hậu Giang cũng là doanh nghiệp dược trong nước đầu tiên sản xuất được viên nang. Năm 2004, khi DHG đang phát triển thuận lợi, bà quyết tâm cổ phần hóa công ty dù chưa thuộc diện bắt buộc, để bà có thể chủ động hơn trong hoạch định cơ chế, chính sách đối với người lao động, khuyến khích tinh thần sáng tạo, cống hiến của cán bộ công nhân viên.
Đi lên từ kháng chiến nhưng bà đã điều hành doanh nghiệp vượt cả các doanh nhân giỏi thời bình. Kỹ năng lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp của bà là nhờ liên tục bồi đắp và học hỏi. Nữ CEO chia sẻ cách thức điều hành nhân sự là dù làm công việc gì, cũng phải làm tới nơi tới chốn, theo tiêu chí đã muốn phải làm, đã làm phải thắng. Bản thân bà, mỗi buổi công tác với cộng sự, bà đều dành thời gian đào tạo họ vì tin rằng học qua công việc là cách hiệu quả nhất.
"Ông vua tàu thủy Việt Nam" Bạch Thái Bưởi
Khi nhắc đến những doanh nhân giàu có nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20, Bạch Thái Bưởi được liệt vào hàng "tứ đại gia" không chỉ của Việt Nam mà là xứ Đông Dương.
Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874, trong một gia đình nông dân nghèo, họ Đỗ ở làng An Phúc (Yên Phúc), Thanh Trì, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Cha ông mất sớm, nên ông phải giúp mẹ sinh sống bằng nghề bán hàng rong. Lúc ấy có một nhà phú hào họ Bạch thấy ông thông minh, lanh lợi, nên nhận làm con nuôi và đổi lại họ Bạch. Nhờ đó, ông có cơ hội ăn học. Bạch Thái Bưởi được đi học chữ quốc ngữ, chữ Pháp.
Năm 20 tuổi, ông bắt đầu chú tâm việc kinh doanh nhưng mọi thứ còn mơ hồ. Nhờ thông minh, ông được Phủ Thống sứ Bắc Kỳ cử sang Pháp dự hội chợ Bordeaux. Ông tập trung tìm hiểu việc kinh doanh của người Pháp. Sau chuyến đi ngắn ngủi đó, trên tàu về nước, ông bắt đầu nung nấu ý tưởng làm kinh doanh.
Nhận thấy cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa, mở mang đường sá, xây dựng cầu cống, Bạch Thái Bưởi tìm được cơ hội trở thành đối tác cung cấp nguyên liệu cho dự án xây dựng tuyến đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, bắt đầu bằng việc xây cây cầu dài 3.500m nối Hà Nội với Gia Lâm (cầu Long Biên). Năm 1902, cầu được khánh thành cũng là lúc ông đã có số vốn lận lưng kha khá.
Sau đó, ông bỏ vốn mua lại một hãng cầm đồ ở Nam Định, rồi mở hiệu cơm Tây ở Thanh Hóa, đại lý rượu ở Thái Bình và có một thời gian làm cai thầu thuế chợ từ miền Bắc đến miền Trung.
"Ông vua tàu thủy Việt Nam" Bạch Thái Bưởi.
Nghiệp kinh doanh đem đến danh tiếng lẫy lừng cho doanh nhân họ Bạch bắt đầu khi ông chuyển hướng sang kinh doanh vận tải đường thủy, nơi mà những thương nhân Hoa Kiều gần như đang độc quyền chiếm lĩnh. Chính quyết định này là khởi nguồn cho danh hiệu "Vua tàu thủy Việt Nam" hay "Chúa sông Bắc Kỳ" của Bạch Thái Bưởi sau này.
Năm 1909, ông lập Công ty hàng hải Bạch Thái Bưởi, thuê lại 3 chiếc tàu Phenix, Dragon và Fai Tsi Long, đổi tên chúng thành Phi Phụng, Phi Long và Bái Tử Long để kinh doanh vận tải đường thủy trên hai tuyến Nam Định - Bến Thủy (Nghệ An) và Nam Định - Hà Nội.
Từ chỗ có 3 tàu đi thuê, khai thác trên 2 tuyến đường thủy, sau 10 năm, công ty của ông đã sở hữu gần 30 tàu lớn bé và sà lan chạy hầu hết tuyến sông nước miền Bắc, chạy trên 17 tuyến hàng hải trong và ngoài nước, vươn đến tận Hồng Kông, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Singapore... Đặc biệt, trong đó có 6 chiếc tàu của hãng tàu Pháp bị phá sản được ông mua lại đặt cho những tên: Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi.
Ngày 7/9/1919, công ty của Bạch Thái Bưởi đã làm rạng danh ngành hàng hải Việt Nam khi cho hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng) chiếc tàu Bình Chuẩn hoàn toàn do người Việt thiết kế, thi công. Tàu dài đến 42m, trọng tải 600 tấn, động cơ 400 mã lực, cập cảng Sài Gòn ngày 17/9/1920. Sự kiện này đã làm nức lòng giới kinh doanh Nam kỳ, họ đã đúc bảng đồng với dòng chữ: "Tặng tàu Bình Chuẩn, chiếc tàu Việt Nam đầu tiên tại cảng Sài Gòn". Cũng chính nhờ con tàu lớn đầu tiên của Việt Nam này mà Bạch Thái Bưởi được xưng tụng là "Vua tàu thủy Việt Nam".
Mặc dù tiếp xúc thường xuyên với người Pháp, học tập kỹ thuật tân tiến của người phương Tây, nhưng chưa bao giờ Bạch Thái Bưởi đánh mất cội nguồn dân tộc của mình. Ngay việc đặt tên cho các con tàu, ông đều lấy từ nguồn lịch sử của dân tộc chứng tỏ thương gia này có tinh thần tự tôn dân tộc rất lớn.
Thậm chí, có lần lên tiếng bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị, trong Hội nghị kinh tế lý tài, ông bị René Robin – Thống soái Bắc kỳ lúc đó – đe dọa: "Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi", ông đáp lại: "Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin".
Bạch Thái Bưởi được người đương thời và các thế hệ đời sau đánh giá là một nhà tư sản dân tộc, một doanh nhân giàu ý chí tự cường, một thương gia lớn và có tinh thần tự tôn dân tộc chính vì những đóng góp của ông vào ngành hàng hải khởi đầu của nước nhà.
Ngày 22/7/1932, ông mất đột ngột tại Hải Phòng bởi một cơn đau tim. Cái tên Bạch Thái Bưởi từ đó đi vào huyền thoại, bên cạnh những nhà tư sản yêu nước của dân tộc đầu thế kỷ 20.
Nguyễn Sơn Hà – "Ông tổ" ngành sơn Việt Nam
Nguyễn Sơn Hà (1894 – 1980) là một trong những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam thời Pháp thuộc. Ông được biết đến như là người khai sinh nghề sản xuất sơn dầu ở Việt Nam.
Nguyễn Sơn Hà sinh ra tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) trong một gia đình có 7 anh chị em. Cha mất khi ông mới 14 tuổi, ông phải bỏ học xin làm phụ bàn giấy cho một hãng buôn của Pháp. Sau đó do lương thấp, ông đã bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng.
Nhận thấy tiềm năng kinh doanh của ngành sơn, tuy vào làm ở hãng sơn Pháp Sauvage Cottu nhưng Nguyễn Sơn Hà không ngừng nung nấu ý chí tạo dựng một hãng sơn dầu của người Việt Nam.
Ông ý thức được rằng, muốn làm được như vậy, trước hết phải học, phải hiểu kỹ thuật làm sơn của người phương Tây. Nhưng cái khó lúc đó là tất cả các tài liệu kỹ thuật này đều viết bằng tiếng Pháp. Để đọc được tủ sách của chủ, ban ngày ông làm việc chăm chỉ, buổi tối tìm thầy học thêm tiếng Pháp, đọc hết tủ sách của ông chủ.
Doanh nhân, nhà yêu nước Nguyễn Sơn Hà.
Năm 1917, sau khi nắm được cơ bản công nghệ làm sơn và đã tích lũy chút vốn liếng, ông nghỉ làm ra riêng mở tiệm. Vốn liếng ban đầu là tiền thu được từ bán chiếc xe đạp, ông mở cửa hàng bán sơn, nhận quét sơn nhà, kẻ biển và bên trong âm thầm chế tạo một sản phẩm sơn riêng cho mình.
Sản phẩm đầu tiên xưởng của ông tung ra thị trường mang thương hiệu Résistanco, tiếng Pháp có nghĩa là "bền chặt", nhưng lại không được người Pháp đánh giá cao. Không bỏ cuộc, ông tiếp tục miệt mài nghiên cứu và cuối cùng, nhiều mẫu sơn hoàn hảo ra đời với cái tên Résistanco A, Résistanco B dùng cho sơn xe đạp, Durolac để sơn ô tô, Ideal để sơn tường... Chất lượng không thua sơn của Pháp nhưng giá thấp hơn nhiều.
Hãng Descous et Cabaud thấy sơn Résistanco đã có chỗ đứng trên thị trường nên nhận làm đại lý. Từ đó, sơn Résistanco bắt đầu được tiêu thụ khắp nơi trong nước.
Đến năm 1920, khi vừa tròn 26 tuổi, ông mở được xưởng sơn tại Hải Phòng, rộng 7.000m2, lấy tên là Gecko. Từ Hà Nội, Huế, Hội An, Sài Gòn, sơn Résistanco vượt biên giới sang Campuchia, Thái Lan, Lào… và được tiêu thụ nhanh đến mức làm không đủ bán. Người Pháp tìm đủ mọi cách chèn ép việc kinh doanh của gia đình, nhưng ông quyết giữ sự hưng thịnh của nền công nghiệp bản địa, khiến nhà cầm quyền phương Tây phải kinh sợ.
Năm 1939, trong một lần vào miền Nam, Nguyễn Sơn Hà cùng vợ tới thăm Phan Bội Châu đang bị Pháp quản thúc tại Huế. Lần gặp gỡ nhà yêu nước Phan Bội Châu ở Huế đã tác động sâu sắc đến doanh nhân Nguyễn Sơn Hà.
Với vị trí một nhà tư sản có uy tín trong giới công thương thành phố Hải Phòng, Nguyễn Sơn Hà tranh cử hội đồng thành phố. Ông cũng tham gia tích cực các hoạt động của Hội Trí tri, Hội ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi Hội Truyền Bá quốc ngữ.
Ông từng đấu tranh với Pháp, Nhật đòi mở kho tấm cám để cứu đói, đứng ra lập trường Dục Anh tại số nhà 46, phố Lạch Tray để nuôi dạy các em bé mồ côi. Trong "Tuần lễ vàng", ông và gia đình đã hiến toàn bộ nữ trang với khoảng 10,5kg cho cách mạng.
Sau khi người con trai cả tên Nguyễn Sơn Lâm - Đội trưởng Tự vệ Hải Phòng - hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến tại mặt trận Đông Khê (Hải Phòng), Nguyễn Sơn Hà đã quyết định đi theo con đường giải phóng dân tộc: bỏ lại toàn bộ tài sản như nhà xưởng, đồn điền, tiền của… đưa toàn bộ gia đình đi theo kháng chiến, mặc dù nhận được nhiều đề nghị từ phía thực dân Pháp sẽ trả lại hoặc đền bù tài sản bị thiệt hại nếu như ông từ bỏ kháng chiến.
Sau Cách mạnh tháng Tám, Nguyễn Sơn Hà trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hải Phòng. Từ đây, ông có nhiều đóng góp cho cách mạng thông qua những sáng kiến của mình, như làm vải nhựa cách điện, sản xuất giấy than, mực in, vải che mưa, chế tạo lương khô, thuốc ho.
Sau kháng chiến chống Pháp, ông trở về Hà Nội và tiếp tục trúng cử vào Quốc hội Việt Nam khoá khoá II, III, IV, V. Ông mất tại Hải Phòng năm 1980.
Doanh nhân Trịnh Văn Bô hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng
Thương gia Trịnh Văn Bô (1914 - 1988), là con út trong gia đình có 3 anh chị em, quê ở làng Bãi, Cao Viên, Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Gia đình ông có truyền thống kinh doanh, thân sinh là cụ Trịnh Phúc Lợi, một doanh nhân Việt Nam thành đạt đầu thế kỷ 20, chủ hiệu buôn Phúc Lợi.
Năm 1932, ông lập gia đình với bà Hoàng Thị Minh Hồ, con gái của cụ Hoàng Đạo Phương, một nhà nho và cũng là thương gia giàu có đất Hà Nội xưa. Trong sự nghiệp kinh doanh của chồng, bà Minh Hồ đóng một vai trò quan trọng.
Thương gia Trịnh Văn Bô và vợ Hoàng Thị Minh Hồ.
Ông Bô cùng vợ là chủ nhân của cửa hiệu buôn vải sợi Phúc Lợi đặt tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Tầng hai của hiệu buôn sầm uất Phúc Lợi từng là nơi ở của nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng cấp cao của Việt Nam khi chuyển hoạt động từ chiến khu về Hà Nội, trong đó có cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính nơi đây, Bác Hồ đã khởi thảo và hoàn thành bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử.
Cho đến giữa năm 1940, ông Bô được xem là một trong những người giàu có bậc nhất đất Hà Thành, có bạn hàng tại các nước Đông Dương, sở hữu một nhà máy dệt và kinh doanh cả ngành bất động sản.
Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh, tên tuổi của ông Trịnh Văn Bô còn được biết đến qua những hoạt động từ thiện và sự đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Là thương nhân giàu có, nhưng gia đình ông lại kinh doanh trên triết lý "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức".
Mùa thu năm 1945, bên cạnh niềm hân hoan giành chính quyền từ tay phát xít Nhật, Chính phủ lâm thời mới thành lập gặp nhiều khó khăn về tài chính. Kho bạc Trung ương lúc đó đối mặt với khoản nợ ngắn hạn phải thanh toán lên đến 564 triệu đồng, trong khi ngân khố chỉ còn hơn 1,2 triệu đồng Đông Dương, mà gần một nửa là tiền rách chờ thu đổi.
Trong thế "ngàn cân treo sợi tóc", Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ Độc lập và "Tuần lễ vàng" nhằm thu nhận tài chính và hiện vật nhân dân quyên góp cho Chính phủ. "Tuần lễ vàng" được phát động, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ.
Ngoài ra, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động "Tuần lễ vàng", khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370kg vàng.
Có thể nói, ông Trịnh Văn Bô và gia đình là tấm gương tiêu biểu trong giới doanh nhân, ủng hộ vô điều kiện cho một chính phủ còn non trẻ. Người vợ của ông có một triết lý thật giản dị: "Vợ chồng tôi có 4 bàn tay, 2 khối óc, đóng góp hết rồi chúng tôi sẽ làm ra. Độc lập dân tộc không thể để mất, vì mất rồi bao giờ thế hệ sau mới lấy lại được". Câu nói bất hủ này là của bà được lưu lại trong sử sách hội đồng họ Trịnh Việt Nam.
Tên ông Trịnh Văn Bô được đặt cho một con đường to đẹp mới mở ở Hà Nội.
Hơn một tháng sau ngày tuyên bố Việt Nam độc lập, ngày 13/10/1945, Hồ Chủ tịch đã gửi một bức thư cho giới công thương, trong đó nhấn mạnh rằng "Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này".
Bức thư này, cho đến nay vẫn được xem là bằng chứng rõ nhất cho thấy thông điệp rất rõ ràng của Bác Hồ về vai trò quan trọng của giới công thương, lực lượng được xác định là sẽ "phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng", trong khi "các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà".
Chính những tư tưởng được thể hiện trong bức thư này là cơ sở để từ năm 2004, Chính phủ đã công nhận ngày 13/10 hàng năm là "Ngày Doanh nhân Việt Nam".
Ngày 13/10 hàng năm được chọn là Ngày doanh nhân Việt Nam, mở ra một trang mới trong lịch sử kinh tế Việt Nam, khi doanh nhân được thừa nhận có một vai trò quan trọng trong sự phát triển của quốc gia.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2006), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã truy tặng các ông Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.